Thời điểm lễ tết đến gần cũng là lúc người dân phải đối mặt với hàng loạt dịch bệnh dịp cuối năm bùng phát như virus Zika, sốt xuất huyết, quai bị, tay chân miệng…
- Ngoài Virus Zika, Sài Gòn đang phải đối mặt với dịch bệnh quai bị
- Zika bùng phát mạnh vào các tháng cuối năm
- “Nóng lên” về bệnh dịch mùa đông quay trở lại
Dịch bệnh tại TP.HCM bùng phát dồn dập
Sở Y tế TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân khi nhiều loại dịch bệnh liên tục bùng phát tại cùng thời điểm. Trong đó nguy hiểm nhất là Virus Zika.
Theo thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM, số ca nhiễm Virus Zika ở Sài Gòn đã lên gần 150 người tại 23/24 quận huyện, trong đó ảnh hưởng đến 19 thai phụ. Mặc dù những nỗ lực phòng chống virus Zika được ngành y tế và người dân quyết tâm thực hiện với nhiều biện pháp mạnh mẽ, tuy nhiên số người nhiễm Virus Zika vẫn tăng lên hàng ngày và muỗi Aedes luôn là nỗi ám ảnh với mọi sản phụ và người dân nơi đây.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, ngoài Virus Zika, số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng cao cũng góp phần khiến cho tình hình dịch bệnh dịp cuối năm tại TP.HCM trở nên báo động. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 20.647 ca nhiễm sốt xuất huyết, đặc biệt số ca mắc mỗi tuần lên tới gần 700 ca thời điểm cuối năm này.
Đầu tháng 12, TP.HCM đối mặt với nguy cơ dịch bệnh mới khi phát hiện chùm bệnh quai bị tại trường Tiểu học Tân Xuân (Hóc Môn). Cho đến nay, số học sinh nhiễm quai bị ở trường đã tăng từ 9 lên 30 em. Cùng lúc đó, dịch bệnh quai bị tiếp tục ảnh hưởng tới Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) khiến 13 học sinh phải nghỉ học.
Tết Nguyên đán là thời điểm bùng phát dịch bệnh tại Tp.HCM
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, thời điểm cuối đông – đầu xuân với tình trạng thủy triều phức tạp và mưa kéo dài hiện nay là thời điểm lý tưởng để các loại muỗi, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh, do đó nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, các loại dịch bệnh dịp cuối năm sẽ bùng phát mạnh ảnh hưởng đến dịp Tết Nguyên đán tới.
Các loại dịch bệnh phát triển mạnh vào cuối năm bao gồm: cúm, thủy đậu, rubella, quai bị, sốt xuất huyết, não mô cầu…Vào dịp lễ tết, khi các lễ hội và nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân tăng cao, là điều kiện để virus gây bệnh dễ dàng lây truyền trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là điều dễ xảy ra.
Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, điều đáng lo ngại nhất là việc lo mua sắm, đi chơi tết, cỗ bàn ăn uống, thức ăn ngày Tết có thể khiến người dân quên đi việc phòng chống dịch bệnh và bảo vệ bản thân trước những dịch bệnh tại Tp.HCM dịp tết. Điều này có thể trở thành mối nguy hiểm tạo điều kiện cho hàng loạt dịch bệnh tấn công đến sức khỏe cộng đồng.
Biện pháp phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM
Trước những diễn biến phức tạp của các dịch bệnh tại TP.HCM, Sở Y tế đã đưa ra nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, kêu gọi sự góp sức của người dân để đẩy lùi nguy cơ bùng phát thành dịch và bảo vệ sức khỏe của chính mình.
- Người dân cần dùng khăn giấy, khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi tại nơi đông người.
- Tiêm phòng bệnh cho trẻ em. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm y học chẩn đoán bệnh chính xác.
- Người dân vui chơi dịp Tết không quên theo dõi những tin tức mới về tình hình sức khỏe để cập nhật thông tin cần thiết về dịch bệnh dịp cuối năm, chủ động trong việc phòng ngừa cho mình và gia đình.
- Tại các khu vực nhạy cảm như trường học, trường mầm non, khu chợ…cần phun thuốc diệt muỗi, chủ động phòng bệnh, nếu có học sinh nhiễm bệnh cần thực hiện cách ly để tránh lây truyền diện rộng.
Các loại dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, chủ động phòng chống dịch bệnh dịp cuối năm trước những nguy cơ bùng phát là cách để mỗi người bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hoàng Thu – Ytevietnam.edu.vn