Trước những phản ứng trái chiều của dư luận về dự thảo bỏ điểm sàn đại học trong mùa tuyển sinh năm 2017.Tuy nhiên đại diện Bộ GD&ĐT Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có những phản hồi về nhưng gì dư luận đang quan tâm.
- Sau nhiều ý kiến Bộ GD&ĐT vẫn đang xem xét phương án điểm sàn
- Bỏ điểm sàn Đại học ảnh hưởng thế nào đến các trường Y Dược?
Điểm sàn đại học năm 2017 vẫn tồn tại
Liên quan đến dự kiến bỏ điểm sàn chung, tại cuộc họp giao ban báo chí với Ban Tuyên giáo Trung ương vào ngày 27-12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Dựa vào thực tế giáo dục tuyển sinh năm 2015, 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến chỉ quy định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH quy định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Nghĩa là, thay vì quy định “điểm sàn” chung, Bộ sẽ giao cho các trường tự quy định “điểm sàn” tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển. Việc này đã được các trường thực hiện từ năm 2016.
“Trên thực tế điểm sàn không có ý nghĩa đối với những trường, các ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao, hiện chiếm khoảng 30% tổng số các trường đại học. Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh, trong đó có tự chủ xác định điểm sàn”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Điều này có nghĩa các trường chưa được kiểm định, của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và Quốc tế thì vẫn có điểm sàn áp dụng cho các Trường này. Theo đó có khoảng 2/3 các trường chưa được kiểm định. Như thế đồng nghĩa với việc là sẽ có 2/3 trường vẫn có điểm sàn.
Cũng theo ông Ga, khi đưa quy định bỏ điểm sàn vào dự thảo quy chế, Bộ cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo, nhất là đối với những trường đại học chưa xây dựng được uy tín chất lượng, chạy theo số lượng, thiếu sự sàng lọc trong quá trình đào tạo. Hiện Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.
Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp Hiệu trưởng các trường đại học sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.
Các trường sẽ thực hiện kiểm định theo quy định mới
Cũng theo đó Bộ GD&ĐT mới công bố Dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục Đại học (ĐH) theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế. So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường Đại học hiện hành (chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí), bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) để đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục Đại học.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hiệu lực trong thời gian 5 năm, các cơ sở giáo dục có thể đăng ký để đánh giá thêm theo quy định mới.
Lam Hạ: Ytevietnam.edu.vn