Chế độ ăn và thói quen của bé bị sẽ thay đổi bởi nguồn dinh dưỡng khác sữa mẹ khi cai sữa. Nên cho con ăn gì để công cuộc cai sữa thành công và bé khỏe mạnh, phát triển tốt là câu hỏi rất nhiều bố mẹ băn khoăn.
- Những phương pháp để phát triển trí thông minh của trẻ sơ sinh
- Mách mẹ cách phòng ngừa viêm phế quản cho trẻ
- Mẹ nên làm gì khi trẻ chậm mọc răng do thiếu Canxi?
Thời điểm thích hợp để cai sữa
Đối với trẻ nhỏ, điều tuyệt nhất là được bú sữa mẹ, kể cả những trẻ trên một năm tuổi vẫn cần có sữa mẹ, bởi sữa mẹ là loại thuốc đề kháng tốt nhất giúp trẻ chống lại mọi bệnh tật. Sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chính vì thế, nếu việc bú mẹ không ảnh hưởng tới công việc của bạn tốt nhất hãy cho bé bú càng lâu càng tốt, điều đó sẽ giúp cho trẻ phát triển đầy đủ.
Quy trình cho bé ăn hợp lý nhất
Khi ngừng bú sữa mẹ, bé nhà bạn cần uống nước trực tiếp và ăn các loại sữa thay thế. Chế biến thức ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi là phương pháp hữu hiệu để bé bắt đầu tiếp xúc với mùi vị thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Để bé có thể dần dần thích ứng các mẹ nên cho con làm quen với các loại sữa công thức trước rồi mới đến các loại thức ăn dặm.
Mẹ cần chú ý không bắt bé ngừng cai sữa đột ngột mà giảm dần số lần và thời gian cho bé bú trong ngày, để bé quen từ từ, tránh cảm giác khó chịu. Đồng thời, bạn tăng từ từ lượng thức ăn ngoài để bé làm quen.
Các loại thức ăn phù hợp cho trẻ khi cai sữa
Có một số loại thực phẩm giúp quá trình cai sữa của bé trở nên tốt hơn, các mẹ có thể thay sữa bằng những loại thức ăn tốt cho trẻ, giúp trẻ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Các loại rau, củ
Các loại rau củ có hương vị ngọt tự nhiên và mịn khi xay nhuyễn là thực phẩm ưu tiên cho bé giai đoạn này như cà rốt, khoai tây, bí đỏ, củ cải… Có thể sử dụng súp lơ xanh, có chứa nhiều vitamin C và beta-caroten, acid folic, sắt, kali rất tốt cho bé. Tuy nhiên bạn nên hấp cách thủy hoặc dùng lò vi sóng thay vì luộc, vì khi luộc súp lơ xanh sẽ mất đi một nửa hàm lượng chất dinh dưỡng có trong đó. Để thay đổi khẩu vị, mẹ bé có thể không nhất thiết để riêng từng loại rau củ mà có thể trộn chúng với nhau, nếu bé nhà bạn không kén ăn.
- Thịt, cá, trứng
Để bổ sung chất đạm cho bé, bạn nên dùng thịt nạc xay. Còn cá có chứa một loại omega-3 rất có lợi cho sự phát triển của trí não bé. Tuy nhiên khi cho bé ăn cá bạn cần cẩn trọng để tránh bé bị hóc xương, chỉ nên cho bé ăn những loại cá không có chứa thủy ngân như cá ngừ, cá mòi, cá tuyết tránh những loại cá như cá mâp, cá maclin, cá kiếm. Các mẹ nên cho bé ăn trứng gà để bổ sung protein. Tuy nhiên,để tránh ngộ độc hay dị ứng và nhiễm khuẩn salmonella, bạn cần cho bé ăn trứng nấu chín kỹ.
- Các loại quả
Vitamin C và beta-caroten, chất xơ hòa tan và các enzyme có trong quả giúp hỗ trợ tiêu hóa, cũng được chứa nhiều trong đu đủ, tuy nhiên đối với đu đủ các mẹ nên cho ăn với số lượng ít và cách thưa ngày.
Quả mơ và việt quất: với hàm lượng chất xơ hòa tan nhiều giúp bé nhuận tràng tự nhiên, trong hai loại quả này cũng chứa nhiều beta-carotene và chất xơ, sắt và kali rất tốt cho bé. Chúng cũng được biết đến như loại quả tốt cho sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ.
Táo: có vị ngọt, dễ tiêu hóa và có kết cấu nhỏ mịn khi nghiền là thực phẩm yêu thích của trẻ.
Quả chuối: có chứa nhiều tyrosin có vai trò tích cực đối với sự nhanh nhạy, khả năng học hỏi và điều hòa hoạt động của tim mạch, nhất là đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt, loại quả thông dụng này cung cấp 8 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể bé không tự tổng hợp được và 11 khoáng chất, 6 vitamin cần thiết cho sự phát triển trí thông minh và thể chất của bé.
Đặc biệt lưu ý
Khi trẻ bị ốm không cai sữa cho bé, hoặc bé chưa thích nghi được thức ăn thay thế sữa mẹ dẫn đến tiêu chảy, bị rối loạn tiêu hóa nặng cũng không nên ép bé cai sữa, hãy chờ hệ tiêu hóa của bé ổn định, bạn mới tiếp tục cai sữa. Trong thời gian cai sữa, bố mẹ cần có bảng theo dõi quá trình phát triển cân nặng của trẻ. Trường hợp trẻ chậm tăng cân cần phải đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn.
Vũ Giang – Ytevietnam.edu.vn