Vì sao các bệnh viện tư hoạt động thua lỗ?

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Đây cũng là hiện tượng đáng lo ngại khi theo tin tức mới nhất về Y Dược thì hiện nay đã có nhiều bệnh viện cả công và tư đang được khởi công tiến hành xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Thực trạng này góp phần đặt ra câu hỏi rằng: “Làm thế nào để bệnh viện tư không bị phá sản trong những năm tới?”.

Vì sao các bệnh viện tư hoạt động thua lỗ?

Vì sao các bệnh viện tư hoạt động thua lỗ?

Nhiều bệnh viện “lay lắt”, “chết lâm sàng”

TPHCM có khoảng 20 bệnh viện (công và tư) đang được xây dựng và dự kiến khởi công trong năm nay và năm tới, hầu hết là những bệnh viện lớn, tầm cỡ. Nhiều người trong giới y khoa cho rằng việc thu hút được nhiều thành phần tư nhân tham gia đầu tư kinh doanh dịch vụ y tế cho thấy sự thành công của chủ trương xã hội hóa y tế của Chính phủ, tuy nhiên, hoạt động của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư, có thành công hay không lại là vấn đề khác.

Cuối tháng 4 vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang ở quận 2 đã tuyên bố phá sản sau hai năm hoạt động do không đảm bảo tiềm lực tài chính. Ông Mai Tiến Dũng, Giám đốc bệnh viện này, cho biết bệnh viện đang gánh khoản lỗ hơn 60 tỉ đồng. Theo một số bác sĩ từng làm việc ở bệnh viện này, nguồn nhân lực y khoa ở đây thay đổi liên tục.

Ngoài ra, một số bệnh viện đã ngừng hoạt động hoặc “chết lâm sàng” như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh…, hiện số người đến khám, chữa bệnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều bệnh viện trong tình trạng "chết lâm sàng"

Nhiều bệnh viện trong tình trạng “chết lâm sàng”

Bệnh viện Quốc tế Thành Đô (Bệnh viện Quốc tế City – CIH) tại quận Bình Tân với chất lượng năm sao theo chuẩn Singapore có vốn đầu tư 80 triệu đô la Mỹ, đã hoạt động từ đầu năm 2014. Nhưng đến đầu năm 2016, bệnh viện đã có đề nghị với UBND TPHCM và Bộ Y tế để được giúp đỡ về tiếp cận nguồn vốn và cơ chế hợp tác với Bệnh viện Nhân dân 115, nhằm giảm thua lỗ. Hiện để duy trì vận hành, mỗi tháng, bệnh viện này phải bù lỗ khoảng 1 triệu đô la Mỹ.

Hầu hết bệnh viện tư đều kêu khó về nguồn nhân lực. Đội ngũ bác sĩ tại khu vực này chủ yếu là bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc sinh viên mới ra trường. Những người về hưu có nhiều kinh nghiệm nhưng sức khỏe lại kém, còn bác sĩ mới ra trường thì lại thiếu kinh nghiệm. Thông thường, một bác sĩ mới ra trường cần có thêm khoảng bốn năm được đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, sau đó mới có thể làm việc độc lập, nhưng họ lại không có nhiều cơ hội học thêm về nghề ở các bệnh viện tư. Do đó, các bệnh viện tư thường chỉ tuyển được bác sĩ ra trường ở hạng khá hoặc thấp hơn.

“Đói”… bác sĩ!

Nguyễn Hữu Tùng, nguyên Tổng giám đốc tập đoàn Bệnh viện Hoàn Mỹ, cũng đồng tình vấn đề lớn nhất trong thời gian tới của các bệnh viện chính là nguồn nhân lực. Riêng khu vực y tế tư nhân, từ nay đến năm 2020 sẽ có hơn 10 bệnh viện mới được đưa vào sử dụng với khoảng 2.000 giường bệnh. Giả sử hiệu suất sử dụng nhân sự là 1,5 người/giường, như vậy cần có tới 3.000 con người, trong đó 25-30% (khoảng 900 người) là bác sĩ. Đó là chưa kể bác sĩ phải giỏi, phải có nhiều kinh nghiệm thì bệnh viện mới hoạt động an toàn, có chất lượng.

Cùng thời gian đó cũng sẽ có thêm khoảng 10 bệnh viện công (xây mới và xây thêm). Chỉ cần kể Bệnh viện Chợ Rẫy 2 (1.000 giường), Bệnh viện Ung bướu quận 9 (1.000 giường), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (500 giường)… và thêm một vài bệnh viện nữa, đã thấy cần có thêm ít nhất 1.000 bác sĩ nữa. Vậy thì, chỉ trong vòng hai năm tới, TPHCM cần khoảng 2.000 bác sĩ cho các bệnh viện mới xây (cả công và tư), trong khi năng lực đào tạo của Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cao nhất có khoảng 700 sinh viên ra trường mỗi năm, cùng với một số trường đại học, cao đẳng khác nữa cũng có thể thấy không thể đáp ứng nhu cầu của trên 4.000 giường bệnh.

Một khi số lượng bác sĩ không đủ đáp ứng thì chất lượng khám chữa bệnh sẽ đi xuống, nguy cơ rủi ro cho bệnh nhân sẽ cao hơn và hoạt động kinh doanh của bệnh viện sẽ kém hiệu quả. Ông Tùng cho rằng việc đầu tư bệnh viện ồ ạt hiện nay là một sự đầu tư thiếu tầm nhìn về nguồn vốn, nguồn nhân lực.

Cần Đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý

Theo TS.BS. Võ Xuân Sơn, Giám đốc phòng khám quốc tế Exson TPHCM, hiện nay nguồn lao động làm việc trong lĩnh vực y khoa không ít nhưng thiếu những con người làm việc hiệu quả, và thiếu nhiều nhất là ở các bệnh viện tư. Và như đã nói, tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn trong vài năm tới, nếu Nhà nước không có một chiến lược phát triển nhân sự hợp lý ngay bây giờ.

Đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý

Đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý

Sơn đưa ra các vấn đề nhân sự cần giải quyết bao gồm cải cách đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đủ khả năng làm việc cùng một chính sách phân bổ nguồn nhân lực hợp lý. Theo BS. Sơn, cần biết là sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài vào bệnh viện, họ không chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất mà sẽ có những chính sách thu hút nguồn nhân lực với mức lương cao. Nếu không có một sự sắp xếp hợp lý, các bệnh viện công cũng sẽ lâm nguy về nguồn nhân lực.

Sơn đưa ra một ví dụ cho thấy sự quản lý con người thiếu hiệu quả trong công việc: Khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có tới 40 bác sĩ nhưng các bác sĩ vẫn phải làm việc vất vả, rất bận rộn vì họ còn phải làm nhiều việc ghi chép như thư ký. Ở Mỹ, các bác sĩ chỉ khám chữa bệnh, khám xong, họ chỉ cần đọc vào máy ghi âm cho Điều dưỡng viên hoặc thư ký hành chính ghi chép. Ở Úc, bác sĩ không thuộc quyền sở hữu của bệnh viện nào mà họ ký hợp đồng làm việc với nhiều bệnh viện và phân bổ thời gian đến khám chữa bệnh ở mỗi bệnh viện sao cho khoa học và hợp lý, do vậy, họ làm việc nhiều nhưng vẫn đảm bảo công việc.

Cũng theo vị bác sĩ này, sự lãng phí nguồn nhân lực y khoa ở nước ta còn thể hiện ở nhiều góc độ khác.

Chẳng hạn các cơ quan Bộ Y tế hay các sở y tế không cần có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều bác sĩ giỏi làm công việc quản lý, thậm chí họ không cần làm giám đốc bệnh viện, họ cần được sử dụng vào các công việc chuyên môn.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần thay đổi tư duy. Y tế tư nhân đã góp phần thay đổi bộ mặt của ngành y tế, giúp giảm tải ở các bệnh viện công và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… Khu vực này cần một cơ chế mở để phát triển song song với khu vực y tế công, không xung đột lợi ích, tạo ra sự hợp thức hóa nguồn nhân lực.

Nguồn Theo Báo Sài Gòn time – Ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới