Dị ứng thuốc – những điều bạn nhất định phải biết

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Vậy làm gì để hạn chế dị ứng thuốc khi sử dụng. PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn – Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng-Miễn Dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp chúng ta trả lời vấn đề này.

Thưa chuyên gia, những triệu chứng để nhận biết bị dị ứng thuốc là gì?

Triệu chứng khi bị dị ứng thuốc rất đa dạng. Nếu nhẹ là bị mẩn ngứa, phát ban, nổi mày đay, đỏ da, phù mặt (phù Quincke), các kích ứng gây buồn nôn. Trầm trọng hơn là sốt cao, hôn mê, tổn thương các cơ quan như thận, gan… dẫn đến tử vong hoặc triệu chứng loét niêm mạc mắt mũi miệng, bộ phận sinh dục; da toàn thân bị bong tróc giống phải bỏng như ở hội chứng Lyell, hội chứng Steven Johnson thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

di-ung-thuoc-nhung-dieu-ban-nhat-dinh-phai-biet
Hội chứng Lyell – một biểu hiện nặng của dị ứng thuốc

Đáng ngại nhất là sốc phản vệ có thể làm bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Sốc phản vệ xảy ra rất nhanh ngay sau khi tiêm hoặc uống thuốc một vài phút, người bệnh đột ngột bị khó thở, sẩn ngứa toàn thân, hạ huyết áp, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Hiện tượng sốc phản vệ thường gặp khi tiêm thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh như penicillin, streptomycin, thuốc chống viêm, giảm đau, dịch truyền… hoặc ngay cả khi thuốc được xem là lành tính như một số loại vitamin cũng có thể gây sốc phản vệ do thuốc cho những người mẫn cảm với thuốc này.

Khi phát hiện các triệu chứng bị dị ứng thuốc, bệnh nhân nên làm gì?

Nếu đang dùng thuốc mà thấy có các dấu hiệu bất thường như tôi vừa nói trên thì lập tức ngưng sử dụng thuốc đó, đến khám ngay ở cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi điện cho Bác sĩ, dược sĩ để có thể được xử trí kịp thời. Sau đó, bệnh nhân nên đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để bác sĩ có thể thay đổi thuốc điều trị nếu cần.

di-ung-thuoc-nhung-dieu-ban-can-phai-biet
Ngừng uống thuốc ngay khi có triệu chứng dị uống thuốc

Việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất nhất thời giải quyết các triệu chứng, hậu quả của dị ứng thuốc chứ không giải quyết được căn nguyên dị ứng. Nên nhớ rằng, tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Khi đi khám bệnh phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mà mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

Thưa chuyên gia, tại sao uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ vẫn bị dị ứng thuốc?

Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc được dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng liều rất thấp. Đây là những phản ứng không đoán trước được của hệ miễn dịch. Trường hợp bị dị ứng thuốc thì hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra mức độ nhạy thuốc cực lớn, nhất là khi dùng thuốc lần đầu nhưng cũng có trường hợp dùng thuốc lần đầu không bị dị ứng nhưng những lần tiếp theo lại có thể bị dị ứng.

Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân được gọi là người dễ dị ứng hoặc người có “cơ địa dị ứng”. Vì vậy, có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng. Trong thuốc, ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.

Những người có tiền sử về dị ứng như dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, những người có cơ địa dị ứng sẽ có khả năng dị ứng cao hơn khi sử dụng thuốc.

di-ung-thuoc-ban-nhat-dinh-phai-biet
Người có tiền sử dị ứng cần đặc biệt cẩn trọng khi dùng thuốc

Ngoài ra, do một bộ phận nhỏ cán bộ y tế còn thiếu kiến thức và sự thiếu thận trọng trong kê đơn và phát thuốc, không hỏi rõ bệnh nhân về tiền sử dị ứng hoặc thiếu trách nhiệm trong sản xuất và bảo quản thuốc cùng việc quản lý các nguồn thuốc chưa chặt chẽ.

Vậy bệnh nhân cần làm gì để hạn chế dị ứng thuốc?

Để hạn chế dị ứng thuốc bạn cần:

  • Trước hết, không có bệnh không dùng thuốc, không lạm dụng thuốc, hóa chất, mỹ phẩm….
  • Người bệnh chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng đơn chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác.
  • Cần nói rõ với bác sĩ về tiền sử dị ứng của mình khi kê đơn lấy thuốc.
  • Đặc biệt cần biết phát hiện những bất thường trong quá trình dùng thuốc để xử lý kịp thời.

Vũ Giang – Ytevietnam.edu.vn

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Tin mới